Hội thảo chuyên đề: "Ứng dụng một số giải pháp KHCN mới trong kiểm định và sửa chữa cầu cảng"

Nằm trong chương trình kết nối doanh nghiệp năm 2017-2018, ngày 17/04/2018, tại Văn phòng Khoa Công Trình, Bộ môn An toàn Đường thủy và Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng công trình Hàng Hải Việt Nam - MCIC đã phối hợp tổ chức hội thảo chuyên đề “Ứng dụng một số giải pháp KHCN mới trong kiểm định và sửa chữa cầu cảng”. Trong buổi hội thảo, Chuyên viên kỹ thuật của Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng công trình Hàng Hải Việt Nam đã có bài báo cáo giới thiệu về hiện trạng cầu cảng ở Việt Nam cũng như các công nghệ sửa chữa mới được áp dụng tại công ty MCIC hiện nay như phương pháp phun vữa bê tông Polyme và công nghệ xử lý bùn nạo vét.

 

Việt Nam có đường bờ biển dài do đó hiện nay số lượng công trình phải làm việc trong môi trường biển tăng lên đáng kể, đặc biệt là hệ thống cầu cảng. Hiện nay, nhiều bộ phận kết cấu bê tông và bê tông cốt thép của cầu cảng đã bị ăn mòn, hư hỏng nặng hoặc bị phá hủy sau 20-30 năm sử dụng, làm giảm tuổi thọ thực tế của công trình so với tuổi thọ thiết kế.

 

Đặc điểm chung của phá hủy kết cấu bê tông cốt thép là cốt thép trong bê tông bị ăn mòn gây hình thành vết nứt trên bề mặt bê tông, dẫn đến phá hủy hoàn toàn lớp bê tông bảo vệ, bê tông và cốt thép không còn làm việc đồng thời hoặc cốt thép bị ăn mòn gây giảm diện tích tiết diện cốt thép làm giảm sức kháng xuống tới mức gây nguy hiểm cho trạng thái giới hạn chịu lực.

 

Để khắc phục tình trạng hư hỏng, phá hủy các kết cấu bê tông cốt thép của cầu cảng, công ty MCIC đã áp dụng công nghệ phun vữa Polymer. Ưu điểm của phương pháp này là có độ kết dính tốt với bề mặt bê tông cũ, mác cao, độ chống thấm cao, tăng chống nứt, chịu uốn, mất ít thời gian đạt cường độ cho phép chịu tải sớm, không dùng ván không cồng kềnh… tuy nhiên phương pháp này yêu cầu cần phải có công nhân kỹ thuật phun theo đúng tiêu chuẩn và có thể sẽ bị hao hụt vật liệu nếu không có kinh nghiệm thi công.

 

Công nghệ phun vữa Polymer (Nguồn ảnh: Necon.com.vn)

 

Ngoài ra, trong buổi hội thảo, các chuyên viên kỹ thuật của công ty MCIC cũng đã giới thiệu công nghệ xử lý bùn nạo vét. Phương pháp tái chế vật liệu nạo vét thành vật liệu san lấp được cho là công nghệ của tương lai khi đồng thời giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường và bài toán thiếu hụt vật liệu xây dựng trong thi công công trình. Công ty MCIC đã đạt được thỏa thuận cơ bản với đơn vị chuyên cung cấp thiết bị, chuyển giao công nghệ và tái chế bùn nạo vét của Nhật Bản, bước đầu mở ra một hướng đi mới cho quy hoạch xây dựng ở Việt Nam.

 

Dây chuyền xử lý chất thải nạo vét (Nguồn ảnh: http://www.mcic-vietnam.com.vn/xu-ly-bun-nao-vet)

 

Sau đây là một số hình ảnh về buổi hội thảo.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Chuyên viên kỹ thuật của công ty MCIC đang trình bày về nội dung của buổi hội thảo

Một số nội dung chính được trình bày trong buổi hội thảo chuyên đề

Một số nội dung chính được trình bày trong buổi hội thảo chuyên đề

Một số nguồn tham khảo bài viết:

- http://mcic-vietnam.com.vn/tin-tuc--hoat-dong-l3/hien-trang-ket-cau-cau-cang-viet-nam-va-su-can-thiet-cua-viec-kiem-dinh-cang-n42.htm

- http://necon.com.vn/sua-chua-cau-cang/phun-vua-polymer-phuong-toi-uu-trong-sua-chua-ket-cau-cau-cang/

http://www.mcic-vietnam.com.vn/xu-ly-bun-nao-vet--l106