Lịch sử phát triển

Lịch sử phát triển

            Được thành lập năm 1965, tiền thân là một khoa nhỏ thuộc Trường Đại học Giao thông đường thủy, sau đó được sáp nhập về Trường Đại học Hàng hải, Khoa Công trình đã trải qua chặng đường hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển. Với nỗ lực bền bỉ của nhiều thế hệ thầy và trò, Khoa Công trình đã trở thành một địa chỉ đào tạo tin cậy trong khối ngành xây dựng, là một trong những đơn vị đào tạo lớn góp phần cùng Trường Đại học Hàng hải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần hiện thực hóa Chiến lược biển của Đảng và Nhà nước. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, Khoa Công trình đã đạt được nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quí: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba của Chủ tịch nước; nhiều Bằng khen của Chính phủ, các Bộ, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng; Danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc”,…

             Với tư duy phát triển năng động, Khoa Công trình đang thực hiện chương trình đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện nay, Khoa đang quản lý 06 chuyên ngành đào tạo đại học: Xây dựng Công trình thủy, Kỹ thuật An toàn hàng hải, Xây dựng Dân dụng công nghiệp, Công trình Giao thông và cơ sở hạ tầng, Kiến trúc và Nội thất, Quản lý Công trình xây dựng; 04 chuyên ngành đào tạo Thạc sỹ: Bảo đảm An toàn hàng hải, Kỹ thuật xây dựng Dân dụng và công nghiệp, Kỹ thuật xây dựng Công trình thủy, Quản lý Dự án đầu tư và Xây dựng; 01 chuyên ngành đào tạo Tiến sỹ: Kỹ thuật Xây dựng Công trình thủy. Với đội ngũ 54 giảng viên có trình độ đạt chuẩn trong đó có 01 nhà giáo ưu tú, 04 phó giáo sư - tiến sĩ, 16 tiến sĩ, 26 thạc sĩ cùng nhiều 06 cán bộ giảng viên đang theo học chương trình nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Hàng năm đều có các hoạt động liên kết với các doanh nghiệp bên ngoài, trung bình: 02 giảng viên đi thực tế tại doanh nghiệp 6 tháng, tham quan 06 công trình thực tế, tổ chức 12 hội thảo chuyên ngành cho sinh viên.

            Ngay từ khi thành lập và đi vào hoạt động, bên cạnh công tác đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học được Khoa đặc biệt quan tâm. Với đội ngũ cán bộ, giảng viên vừa nhiệt tình giảng dạy vừa say mê NCKH, Khoa đã chủ trì và hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu cấp Bộ, cấp cơ sở, điển hình như: Nghiên cứu chế tạo thử nghiệm phao chuyển đổi năng lượng sóng thành năng lượng điện phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải; Nghiên cứu ảnh hưởng của vận tốc chạy tàu trên luồng tới sự ổn định mái dốc đất ven bờ và đề xuất một số biện pháp ổn định mái dốc đất bờ kênh, luồng chạy tàu; Nghiên cứu chế tạo thử nghiệm máng sóng; Nghiên cứu, chế tạo sa bàn mô hình vật lý thủy lực dòng sông; Nghiên cứu và xây dựng kè chống xói lở bảo vệ bờ bằng các khối đất hóa cứng bọc vải địa kỹ thuật; Nghiên cứu sản xuất thử nghiệm vật liệu gỗ nhựa ngoài trời để sản xuất hệ thống tường, vách chắn an toàn hoặc ván sàn ứng dụng trong các công trình giao thông qua đô thị và công trình xây dựng dân dụng; Thử nghiệm đánh giá, phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường do hoạt động hàng hải áp dụng cho vùng nước  Hải Phòng, Quảng Ninh,... Một số thành tích tiêu biểu về NCKH đã đạt được như: Giải NCKH Neptune của Trường ĐHHHVN (tổ chức thường niên), gồm 03 Giải Nhất tập thể, 02 Giải Ba tập thể, 01 Giải Nhì cá nhân,  02 giải Khuyến khích cá nhân; Bằng Lao động sáng tạo của giảng viên do có thành tích trong NCKH được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng,…

             Song song với công tác đào tạo và NCKH, cán bộ giảng viên trong Khoa còn chú trọng các hoạt động lao động sản xuất. Trung tâm Tư vấn Phát triển Công nghệ Xây dựng Hàng Hải (MCDC) được thành lập năm 1998 với thành phần nòng cốt là các cán bộ giảng viên của Khoa đã tham gia thiết kế, tư vấn giám sát, khảo sát, thẩm tra,… nhiều công trình cảng - đường thủy, giao thông, góp phần quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế cao, rút ngắn thời gian thi công và tiết kiệm hàng tỷ đồng, nổi bật như: Thiết kế Cầu Cảng 1- 20.000DWT, cầu cảng 2 - 20.000 DWT Cảng Đình Vũ (Hải Phòng); Giám sát thi công cảng cá Hạ Long; Khảo sát hải văn tại Nghi Sơn (Thanh Hóa); Kiểm định khả năng tiếp nhận tầu 10.000DWT, công trình tàu dầu 7.500DWT Công ty Cổ phần 19-9; Khảo sát, thiết kế xây dựng cầu cảng và cứng hóa đê dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất phôi thép tại Hải Phòng - Công ty Thép Việt Ý; Giám sát đánh giá tác động môi trường dự án nạo vét luồng Lạch Huyện; Kiểm định cầu cảng 10000DWT Công ty Cổ phần KCN Đình Vũ; Thí nghiệm nén tĩnh nền đất công trình nhà máy KNAUF – Khu Công nghiệp Đình Vũ; Thí nghiệm nhựa đường thuộc dự án xây dựng đường giao thông từ phế thải nhựa khu công nghiệp Deep C,… và nhiều công trình quan trọng khác.

            Với chủ trương gắn “đào tạo, NCKH với lao động sản xuất”, “học tập với thực hành”, Khoa Công trình - Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam đã và đang khẳng định hướng đi đúng đắn trong quá trình xây dựng và phát triển. Điều đó được thể hiện thuyết phục ở tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt từ 90% đến 100%.

            Tự hào với những thành tích đạt được, các thế hệ thầy và trò Khoa Công trình đang tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Khoa trở thành đơn vị đào tạo, NCKH, lao động sản xuất chất lượng cao, đồng thời góp phần đưa Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trở thành Trường trọng điểm Quốc gia, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến đạt trình độ khu vực và thế giới, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế biển, công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc và hội nhập quốc tế.