1- Giới thiệu ngành
Việt Nam là một trong những nước có nhiều lợi thế về biển, có vị trí địa lý thuận lợi nằm trên đường hàng hải quốc tế, có nhiều cảng nước sâu, có điều kiện để phát triển Ngành Hàng hải. Do đó, chuyên ngành Xây dựng Công trình thủy được đặt vào vị thế trung tâm với nhiệm vụ xây dựng các công trình bến cảng, công trình biển, công trình thủy công trong nhà máy đóng tàu, công trình bảo vệ bờ biển, hải đảo cũng như công trình ven thềm lục địa, khu vực cửa sông ven biển.
2- Thời gian đào tạo: 4,5 năm (Kỹ sư)
3- Khối thi: A, A1
4- Nội dung đào tạo:
Chuyên ngành Xây dựng Công trình thủy trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản, những kỹ năng thực hành trong tính toán thiết kế, lập dự án và tổ chức thi công các công trình thủy như: công trình bến cảng, công trình biển, công trình ven bờ - hải đảo, đê chắn sóng và bảo vệ bờ biển, công trình chỉnh trị - luồng tàu, công trình thủy lợi – âu tàu, công trình thủy công trong nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu biển …
Sau thời gian đào tạo, sinh viên ra trường sẽ trở thành những kỹ sư có kiến thức chuyên môn vững vàng và kiến thức xã hội cần thiết; có khả năng phân tích, đánh giá, thiết kế, thi công và quản lý các công trình xây dựng với tư duy sáng tạo, lập luận chặt chẽ và phương pháp làm việc chuyên nghiệp; có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của bản thân đối với xã hội.
5- Cơ hội nghề nghiệp:
Các công ty thường tuyển dụng các kỹ sư chuyên ngành Xây dựng Công trình thủy sau khi tốt nghiệp trường ĐH Hàng Hải Việt Nam bao gồm:
- Các cơ quan quản lý, nghiên cứu về lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa, viện nghiên cứu, quản lý… như: Cục Hàng hải Việt Nam, Cục đường thủy nội địa Việt Nam, Viện khoa học thủy lợi, Viện nghiên cứu các công trình đặc biệt, Viện Quy hoạch cấp tỉnh, Thành phố…
- Các công ty tư vấn lập dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn khảo sát các công trình thủy như: Portcoast, Tedi port, CMB, iCMB…
- Các công ty tổ chức thi công các công trình giao thông, công trình thủy như: CIENCO, VINAWACO…
- Các cơ quan quản lý nhà nước như Sở NN và PTNN, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Khoa học công nghệ môi trường.
- Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Ngoài ra sinh viên còn có cơ hội học tập sau đại học, nghiên cứu sinh tại các cơ sở trong và ngoài nước, giảng dạy và nghiên cứu tại các trường Đại học, Viện nghiên cứu về công trình biển, công trình bến cảng, các Viện nghiên cứu, các trung tâm trực thuộc các Trường ĐH, Cao đẳng…Như vậy, cơ hội việc làm trong ngành công trình thủy là rất rộng.
Một số địa chỉ cụ thể tại Hải Phòng và các tỉnh lân cận:
- Công ty CP đầu tư và xây dựng công trình thủy Hải Phòng; Công ty CP xây dựng thủy lợi Hải Dương, Công ty CP tư vấn xây dựng thủy lợi Thái Bình, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng, Tổng Công ty xây dựng đường thủy, Công ty CP xâu dựng công trình thủy Hà Nội, các Tổng công ty xây dựng công trình giao thông CIENCO 1, 4, 5, 6 và 8…
- Công ty CP tư vấn xây dựng công trình hàng hải CMB, Chi nhánh Hải phòng Công ty CP tư vấn thiết kế Cảng Kỹ thuật biển Portcoast, Công ty CP xây dựng và phát triển hạ tầng Quảng Ninh…
- Sở NN và PTNN Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định… Các chi cục quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tương tứng; Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch, Sở KH và ĐT, Sở KH, CN và MT các Tỉnh, Thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định.
- Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Ban quản lý các khu công nghiệp Quảng Ninh, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình, Ban quản lý các khu công nghiệp Hải Dương, Ban quản lý các dự án công trình Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Quảng Ninh, Ban Quản lý các Dự án Giao thông Hải Dương, Ban quản lý dự án Hàng hải II…